Những điều bạn cần biết về chế độ Detox kết hợp ăn uống
Detox hứa hẹn mang đến hiệu quả giải độc cơ thể, giảm cân, làm sáng da, làm đẹp từ bên trong, giảm stress… Có khá nhiều kiểu detox khác nhau, từ việc bổ sung những thực phẩm lành mạnh, có tính giải độc cho đến việc thay thế hoàn toàn những bữa ăn bằng nước ép, smoothie, infused water… Chế độ detox thay thế bữa ăn hoàn toàn khi được thực hiện đúng cách sẽ giúp bạn giảm cân nhanh chóng, tuy nhiên, nếu chưa sẵn sàng với sự khắc nghiệt của nó, hãy thử qua chế độ Detox kết hợp ăn uống dưới đây.
Những nguyên tắc cơ bản của chế độ Detox kết hợp ăn uống
Chế độ Detox kết hợp ăn uống sẽ phụ thuộc vào từng thể trạng của mỗi cá nhân, nhưng những nguyên tắc chung của chúng gồm có:
- Giảm thiểu lượng hóa chất hấp thụ vào cơ thể (bằng cách ăn thực phẩm hữu cơ).
- Bổ sung các loại thực phẩm cung cấp vitamin, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa mà cơ thể cần để giải độc.
- Ăn những thực phẩm giàu chất xơ và nước để tăng tần suất bài tiết của cơ thể.
- Vận động phù hợp, có chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm sạch để duy trì trạng thái cơ thể khỏe mạnh.
Không có một công thức cụ thể nào cho chế độ Detox kết hợp ăn uống. Tuy nhiên, một chế độ ăn detox lý tưởng là tập trung ăn trái cây và rau củ, uống đủ nước, cắt giảm đường, tinh bột, chất béo. Chế độ ăn này giúp làm sạch đường tiêu hóa, giảm các độc tố trong cơ thể. Kết hợp cùng chế độ tập luyện phù hợp, giảm căng thẳng tinh thần sẽ giúp bạn tạo ra một lối sống tích cực bền vững.
Khi nào thì nên thực hiện chế độ Detox kết hợp ăn uống?
Có một số độc tố sinh ra từ các hoạt động bình thường của tế bào, cũng có nhiều loại độc tố đi vào cơ thể mỗi ngày qua thực phẩm, nước, không khí, tích lũy trong các tế bào và mô mỡ. Những độc tố này có thể là thuốc trừ sâu, kháng sinh và hormone trong thực phẩm, hóa chất từ bao bì thực phẩm, chất tẩy rửa gia dụng, phụ gia thực phẩm, kim loại nặng, khói thuốc lá…
Những độc tố này là gánh nặng của cơ thể, có thể dẫn đến bệnh tật, liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố, chức năng miễn dịch bị suy giảm và thiếu hụt dinh dưỡng. Các dấu hiệu được cho là bao gồm khó tiêu, tập trung kém, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, da xấu và đau cơ. Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng này là thời điểm bạn nên thực hiện detox để thanh lọc độc tố ra khỏi cơ thể.
Những ai không nên thực hiện chế độ Detox kết hợp ăn uống?
Bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ ăn uống cũng chỉ nên được thực hiện trên một cơ thể khỏe mạnh. Bạn không nên thực hiện detox khi đang trong giai đoạn dậy thì, phụ nữ mang thai, hay người mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường…
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi thực hiện chế độ Detox kết hợp ăn uống:
Các tác dụng phụ của detox xuất hiện phụ thuộc vào chế độ ăn và thời gian mà bạn thực hiện chúng. Tình trạng đói mệt, cảm thấy yếu và thiếu năng lượng, choáng váng, chóng mặt là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Điều này xảy ra do chế độ ăn uống của bạn thay đổi đột ngột. Để giảm thiểu những tác dụng phụ này, bạn nên điều chỉnh dần chế độ ăn uống của mình, từ từ cắt giảm những thực phẩm thiếu lành mạnh, thay dần bằng rau củ, trái cây. Ngoài ra, nên bắt đầu thực hiện vào cuối tuần để cơ thể quen dần với mức năng lượng thấp.
Các tác dụng phụ khác là những tác động lên quá trình tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy quá nhiều, có thể dẫn đến mất nước và mất điện giải. Táo bón có thể xảy ra nếu mọi người tiêu thụ quá nhiều chất xơ nhưng lại không uống đủ nước. Nếu chế độ ăn kiêng detox không hợp lý và kéo dài, bạn có thể bị sút cân, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và canxi.
Nguồn: Healthline, Verywellfit